Thêm một phụ huynh Vinschool quyết định ra đi

Bài viết trên Facebook của bạn Yen Tran:

CHÚNG TA CÒN LẠI GÌ SAU CƠN BÃO

Vậy là đã gần 1 tháng gia đình mình quay cuồng trong cơn bão Vinschool. Bạn bè trên facebook của mình có thể sẽ rất ngạc nhiên, thậm chí “phát chán” với những bài viết mình share liên quan đến Vinschool nếu xét đến việc từ trước đến nay mình rất ít share các bài viết về tường nhà mình. Ngày này năm sau, facebook nhắc lại chắc sẽ gợi nhớ rất nhiều kỷ niệm về quãng thời gian này.

Tính đến thời điểm hiện tại, dù bị phụ huynh phản đối kịch liệt, mạng xã hội dậy sóng, uy tín bị sứt mẻ nghiêm trọng trong cộng đồng nhưng những người đứng đầu Vinschool vẫn không hề xuống thang hay có giải pháp đối thoại với phụ huynh để đi đến đồng thuận. Thôi thì mình cũng chẳng có khả năng, cũng chẳng dỗi hơi mà lo anh Vin anh ý sập hay sau vụ này anh ý bị mất uy tín ra sao! Thực ra cảnh giới cao nhất của sự chán ghét chính là câm lặng. Trong tình huống này mình chọn giải pháp câm lặng!

Ngay từ đầu mình đã xác định cuộc đấu tranh của phụ huynh sẽ không thể lay chuyển Vin. Thế nhưng, gia đình mình vẫn lên tiếng, chỉ đơn giản vì đấy là điều cần phải làm. Chúng ta sống trong cái xã hội nhiễu nhương này, chẳng lẽ chỉ biết “khu trú” lợi ích cá nhân, lo “ấm thân phì gia” mà có thể an toàn sao? Ngày hôm nay sự việc này xảy ra với các phụ huynh Vinschool, ko chắc ngày mai sẽ không xảy ra ở trường của con bạn! Khi cái xấu lấn át cái tốt, chúng ta biết trốn đi đâu? Fighting for what is right is really worth it!

Mình biết những người ko có con học ở Vinschool sẽ nhìn sự việc theo những cách nhìn khác. Họ có thể tránh được tâm lý bốc đồng, thiếu khách quan do không bị ảnh hưởng, nhưng mặt khác, họ cũng sẽ không thể nào hiểu được những uất ức, dằn vặt, khó khăn mà các phụ huynh Vinschool phải trải qua. Nói như anh Giáp Văn Dương là vô cùng chính xác: “trên thực tế, việc nói không, đặc biệt là khi đã đi nửa đường cùng nhau, là không hề dễ dàng. Tiếp tục hay dừng lại là câu chuyện nhiều nước mắt và dằn vặt, mà chỉ ai trong cuộc mới hiểu được. Chọn trường cho con, không chỉ đơn thuần là do học phí, mà còn là sự an toàn, sự thuận tiện gần nhà, văn hóa học đường, tình cảm với thầy cô và bạn bè đã có. Đó là cảm xúc, là kỷ niệm, là giá trị, là một quãng đời mà con đã đi qua… Nó chính là một phần của con mình hiện thời, nên thay đổi đồng nghĩa với đập bỏ để làm lại từ đầu”.

Đúng là vậy, đối diện và giải thích cho con thế nào đây khi con mới học hai tháng đã phải chuyển trường? Lý do đưa ra là gì để tránh ảnh hưởng đến những kỷ niệm đẹp đẽ của con về ngôi trường đầu tiên? Rồi thì ko cho con học Vins nữa thì sẽ học ở đâu? Chuyển sang công hay tư? Đi được đâu khi ở quãng thời gian lỡ dở thế này? Triết lý, định hướng giáo dục hướng cho con của mỗi nhà bị thay đổi ra sao? Tất cả đều là những câu hỏi vô cùng hóc búa mà nếu bạn ko phải người trong cuộc, xin đừng phán xét hồ đồ vì cảm giác của người trong cuộc nó khác lắm!

Trở lại với gia đình mình, sau rất nhiều suy nghĩ, cân nhắc, đấu tranh tâm lý, mình đã quyết định chuyển trường cho con. Dù vô cùng phẫn nộ nhưng thẳng thắn mà nói, việc “thoát ra” khỏi vòng cương tỏa hay sức hấp dẫn của Vin là điều không dễ dàng. Nhà mình ở trong Times nên việc cho con đi học gần trường là ưu điểm đầu tiên của Vinschool mà mình phải đấu tranh tâm lý rất lớn. Gì thì gì mình vẫn vô cùng thích cái viên cảnh hai chị em đi học gần nhau trong khu để tiện đưa đón, chiều con có thể đi bộ về nhà, tiết kiệm thời gian cho việc nghỉ ngơi và vui chơi. Tiếp đến là cơ sở vật chất và chương trình học hiện tại của Vins với việc tăng cường tiếng Anh và các môn kỹ năng sống, khách quan mà nói thì mình cũng đang khá hài lòng. Con đã quen với guồng và nếp học đó nên mình cũng ko muốn thay đổi. Nó cũng phù hợp với triết lý giáo dục mà mình tâm đắc và theo đuổi: “học để trở thành người tự do”. Đối với riêng gia đình mình, hai ưu thế trên của Vins là không thể chối bỏ. Chưa kể là trước đây, mình gần như hoàn toàn không có kế hoạch B cho việc học của con, vẫn định bụng cho hai đứa học hết cấp 1 của Vins rồi tùy điều kiện tài chính sẽ tính tiếp. Chính vì thế, mình gần như “mù” thông tin về các trường khác, ở cả hệ thống công lập lẫn dân lập. Vì thiếu thông tin nên mình đã rất lo ngại là nếu rời Vins thì con mình sẽ học ở đâu, với mức học phí nhà mình có thể chấp nhận được trong khi vẫn theo đuổi được triết lý giáo dục của mình. Vấn đề triết lý giáo dục mới chính là cuộc đấu tranh lớn nhất của mình khi chọn trường cho con, chứ không phải là cuộc chiến có ở lại Vins hay không. Thế nhưng, sau khi đọc bài của anh Dương thì mình đã hoàn toàn thức tỉnh. Xin được trích lại nguyên văn lời anh Dương:

“Chất lượng giáo dục phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó, các yếu tố hữu hình, định lượng được chỉ là một phần của chất lượng giáo dục, thậm chí là một phần nhỏ. Đó chỉ là điều kiện cần, không phải điều kiện đủ. Cơ sở vật chất, nội dung chương trình, thậm chí kiến thức chuyên môn của các thầy cô, các yếu tố tĩnh, có tính cách làm nền, chứ không phải là sự sống động, sự thăng hoa hay vẻ đẹp của giáo dục. Trong giáo dục, sự yêu thương, sự tôn trọng, sự tử tế, đạo đức và sự gương mẫu, niềm đam mê học hỏi, khát vọng vươn lên… là những yếu tố đóng vai trò quyết định. Những yếu tố này nằm ngoài cơ sở vật chất, nằm ngoài nội dung chương trình, nằm ngoài cả kiến thức chuyên môn hẹp của các giáo viên. Những yếu tố này không thể đo được bằng tiền, cũng không định lượng được bằng các con số, mà chỉ có thể cảm nhận được”.

Những dòng trên chính là câu trả lời rõ ràng nhất cho những câu hỏi then chốt mà mình đã tự hỏi bản thân trong suốt một tháng qua, đồng thời chính thức cắt bỏ những sợi dây vấn vương cuối cùng của mình với Vinschool. Những lời anh Dương nói không mới, cũng không xa lạ vì mình cũng đã luôn tâm niệm như thế. Thế nhưng đôi khi những thứ hào nhoáng, sự tiện lợi đã khiến mình mất đi cái “mỏ neo” đó. Vì thế mà mình hoang mang, rối bời. Với gia đình mình, dù xác định công hay tư thì mình vẫn luôn đồng hành với con. Mình không bao giờ tin tưởng cũng như phó thác hoàn toàn việc giáo dục con mình cho trường học (dù là quốc tế hay nơi ươm mầm tinh hoa gì gì đó). Chỉ có điều mình vẫn tham lam, muốn ngoài giáo dục gia đình, con mình sẽ được hưởng thêm càng nhiều càng tốt môi trường tích cực của trường học, nhất là việc đó vẫn nằm trong khả năng tài chính của mình. Thế nhưng, câu chuyện ở đây không hẳn chỉ là tiền! Mình luôn tâm niệm giáo dục con để trở thành người tự do: tự do trong suy nghĩ, tự do trong tư tưởng, tự do trong lựa chọn vậy mà là một người mẹ, mình ko thể làm gương cho con sao? Đồng ý là vẻ ngoài của Vins là vô cùng hấp dẫn nhưng lớp sơn bóng bẩy đó không tuyệt vời đến mức để mình phải đánh đổi quyền được lên tiếng trước những bất cập của trường. Cái giá của tự do nó không rẻ rúng đến mức đấy! Có những lúc muốn vấn vương Vin, mình tự “ru ngủ” mình rằng: “ đây chỉ là hành xử của những người đứng đầu thôi còn thì môi trường học tập, thầy cô vẫn đang đối xử tốt với con mình, hay là vì lợi ích ngắn hạn của con, mình cứ bơ đi, tiếp tục tin Vin lần nữa”. Thế nhưng mình nhanh chóng nhận ra rằng đó là một niềm tin ngây thơ và rủi ro. Khi những người đứng đầu đã không làm được những gì họ cam kết ban đầu, cả hệ thống dưới họ, dù muốn hay không, sớm muộn cũng sẽ bị cuốn vào guồng quay đó. Trong cuộc đấu tranh này, mình nhận thức rất rõ là mình đang phẫn nộ với những lãnh đạo của Vins chứ không phải các thầy cô giáo cũng như nhân viên phục vụ trong trường. Nhưng cứ xem cái cách mà Vins đang đối xử với khách hàng thì có thể thấy những người làm cho Vins chắc cũng không dễ dàng gì!

Và khi ta không có được những thứ mà ta đã từng yêu thì hãy học cách yêu những gì ta sắp có. Thay đổi luôn tốt, cánh cửa này đóng lại sẽ có một cánh cửa khác mở ra. Tối qua mình cũng đã nói chuyện với con gái về chuyện chuyển trường. Bản tính con hướng nội, còn nhiều nhút nhát nhưng bù lại con là một người cực kỳ hiểu lý lẽ, thấy đúng là làm theo chứ không hề mè nheo hay vòi vĩnh. Đó là điều mình luôn tự hào về con! Chuyển trường đồng nghĩa với việc con phải đi học xa hơn, mẹ phải thêm nhiệm vụ đưa đón nhưng mình xem đó là một cơ hội để gần gũi, trò chuyện, khơi gợi về cuộc sống nhiều hơn cho con (vừa hay mình rất khá khoản này!). Những ngày hè oi bức, những chiều mưa tầm tã, những sáng mùa đông rét cắt da cắt thịt… có thể sẽ rất vất vả cho hai mẹ con nhưng đấy chẳng phải là cơ hội rất tốt để hòa mình vào với thiên nhiên hay sao? Đường phố có bụi bặm, tắc đường, ngập lụt đôi khi sẽ khiến chúng ta bực bội, chán nản nhưng đấy chính là cuộc sống thực, là cơ hội không thể tuyệt vời hơn để con quan sát, rèn luyện kỹ năng sống và tư duy giải quyết vấn đề. Mẹ tin rằng không có thầy cô nào, dù tinh hoa đến mấy, có thể hiểu được con hơn mẹ; không có một chương trình IB, Cambridge, chuẩn CIS hay kỹ năng sống thế kỷ 21 nào có thể dạy cho ta tốt hơn chính những trải nghiệm mà ta có trong đời sống thực. Đối với mẹ mà nói, một vệt nắng cuối chiều, một áng mây hồng rực, một tiếng chim líu lo, một bông hoa bừng nở… mới chính là thứ giúp cứu rỗi mẹ trong những lúc yếu lòng nhất chứ không phải những bằng cấp này nọ, khả năng nói tiếng Anh lưu loát hay phẩm chất công dân toàn cầu nọ kia.

Cái note này mẹ đã viết rất dài rồi, cũng là để chấm hết cho quãng thời gian ồn ã liên quan đến Vinschool vừa qua. Tiền chênh giữa học phí trường mới và trường cũ, mẹ sẽ đều đặn hàng tháng gửi vào tài khoản cho con đề phòng mai này con dùng đến. Chúng ta đi vì chúng ta cần được tôn trọng, chúng ta đi vì chúng ta chọn sự tử tế. Lời cuối cùng, chúng ta cảm ơn những cô giáo và cô chú nhân viên phục vụ ở Vinschool, cả ở hệ thống mầm non lẫn tiểu học. Cảm ơn vì học đã góp phần tạo nên những cảm xúc, kỷ niệm đẹp mà chúng ta đã có ở nơi đây. Họ xứng đáng nhận được lời tri ân và sự tôn trọng. Với các phụ huynh Vinschool khác, mẹ biết rằng sẽ không có câu trả lời tối ưu cho tất cả trong cuộc khủng hoảng này, chỉ có câu trả lời phù hợp nhất cho mỗi gia đình mà thôi. Dù đi hay ở, chúc cho tất cả luôn sáng suốt, tỉnh táo và kiên định với con đường mình chọn.

Còn thì với những lãnh đạo của Vinschool ư, khi niềm tin đã vỡ vụn, cố nhặt lại làm gì tóe máu xước da???

Tác giả: Yen Tran

Xem thêm:

Tâm sự cảm động của một phụ huynh Vinschool đã cho con nghỉ học

Xem thêm

1 thought on “Thêm một phụ huynh Vinschool quyết định ra đi”

  1. Việc đổi trường ra ngoài học nghe chị viết có vẻ tích cực đấy, nhưng không biết chị sẽ chịu đựng được cảnh kẹt xe, ngập lụt, bụi bặm, va quẹt xe được bao lâu? Mà đây lại chính là những giá trị cốt lỗi mà Vinhome mang đến cho chị. Nếu không hưởng được những giá trị trên thì em nghĩ là chị nên chuyển hẳn ra ngoài sống luôn. Căn Vinhome có thể bán hoặc cho thuê lại.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *