Chuyện không vui còn nhớ mãi ở VinSchool

Tác giả: Duy Huân Đỗ

Nhân dịp các phụ huynh chia sẻ về những trăn trở của mình với Vinschool tôi xin chia sẻ lại kỉ niệm của gia đình tôi trong thời gian con học ở đây.

Năm học đầu 2015-2016 con trai chúng tôi khi đó vào lớp 3, là lứa học sinh đầu khi VSC khai giảng. Tôi vẫn nhớ hình ảnh khẩu hiệu và loạt banron quảng cáo đếm lùi khá ấn tượng khi đến tìm hiểu về trường và làm thủ tục nhập học cho con sau đó.
Lớp của con trai tôi là một cô giáo có kinh nghiệm gần 10 năm ở Đoàn thị Điểm, nay cô là hiệu phó phụ trách chuyên môn của trường. Năm học đó, các phụ huynh lớp con tôi hầu hết ở trường công lập chuyển sang, nên háo hức lắm, thay đổi 180o mà, học phí gấp gần 10 lần mà. Trường đẹp, lớp đẹp khang trang, khí thế rất rạo rực cho một năm học mới.
Ban phụ huynh lớp con tôi có tới 10 Bố Mẹ xung phong tham gia, trong năm đó, rất nhiều hoạt động được các phụ huynh tổ chức, hỗ trợ thường xuyên. Mọi việc diễn ra suôn sẻ cho đến hết năm học chúng tôi cho các con liên hoan tổng kết chia tay cô giáo, những bài hát tập thể, những giọt nước mắt rơi: tiếc nuối của trò, hạnh phúc của cô và bố mẹ…

Năm học thứ hai, khi chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học mới, chúng tôi bàng hoàng khi được tin các con bị chia làm 6 nhóm, mỗi nhóm 5-6 bạn và “trộn” đều vào các lớp. Ban phụ huynh chúng tôi rất buồn, nhưng không thể làm gì trước quyết định đơn phương đó của BLĐ và BGH trường. Hầu như tất cả đều rất shock, các con thì cũng rất bất ổn với lớp mới, bạn mới. Gần như các con và bố mẹ phải làm quen lại từ đầu. Một vài phụ huynh tích cực tiếp tục tham gia ở các lớp học mới cùng con. Mọi người an ủi nhau: dù sao cũng là những trải nghiệm, dù là không thú vị.
Rồi ngày khai giảng năm học mới tới, năm này trường tuyến sinh rất đông, nhìn cảnh các con xếp hàng ngang và dọc chen chúc cho đủ sân trường, thời tiết tháng 9 còn rất nắng, các con nhễ nhại mồ hôi mà tôi đã nghĩ ngay đến chuyện có lẽ mình phải tính lại…

Rồi năm học đó trôi qua với những trải nghiệm không mấy thú vị, cô chủ nhiệm của các con khi đó 21 tuổi, mới có “kinh nghiệm” 01 năm trợ giảng tại đây, còn rất trẻ. Nhưng có lẽ lớp con tôi còn may mắn, vì nhiều lớp phải đổi giáo viên chủ nhiệm tới 3 lần khi thì cô giáo nghỉ rời đi nơi khác, khu thf theo yêu cầu ban phụ huynh.
Hết học kì 1, nhìn kết quả của các con và những thay đổi theo hướng không tích cực, nhiều phụ huynh phản đối thể hiện sự thất vọng và muốn đổi cô giáo chủ nhiệm, tôi cùng vài phụ huynh thì khuyên không nên có thêm sự xáo trộn nữa. Họp với cô giáo trưởng khối 4 năm đó, thông điệp mà cô truyền đạt từ BGH nhà trường có vẻ như trường đã sẵn sàng cho việc phụ huynh cho con rời trường, xin lỗi, tôi không thể diễn đạt được lại thái độ và lời cô ở đây. Nói chung rất thất vọng. Nó không khác một ly cách mà bà Phan Hà Thuỷ thể hiện trong cuộc họp vừa rồi. Đại diện phụ huynh, chúng tôi vẫn động viên cô giáo trẻ chủ nhiệm và ôn tồn với cô trưởng khối, chỉ mong là ổn định cho các con.

Cũng trong năm học đó, trường tổ chức họp phụ huynh toàn trường, cô hiệu trưởng mới khi đó từ một trường nào đó của Nam Định thấy nói rất giỏi chuyên môn và nổi tiếng ????. Tuy nhiên, cách cô thể hiện trong cuộc họp với lối nói chuyện dẫn dắt phụ huynh và có phần áp đảo, trong cuộc nói chuyện cô dùng tới chục lần cụm từ “hiện tượng VinSchool”, tôi nghe thấy rất không hợp, không ổn.
Năm học đó, theo dõi các hoạt động dã ngoại của các con, rồi nghe con trai kể lại, không nhớ con dùng từ gì nhưng ý chính kiểu như là rất “công nghiệp” vậy, con nói là chỉ lướt qua mỗi chỗ một chút thôi, các bạn đông chen chúc nhau. Xem ảnh thì cũng thấy phần lớn các cô tranh thủ chụp ảnh, check in là nhiều. Tất nhiên, xin lỗi các cô giáo khác nhiệt tình, trách nhiệm.

Rồi cảnh các cô bán trú phát đồ ăn bữa nhỡ cho các con với tên gọi “quà chiều”, nhìn rất… không ổn: một hộp sữa nhỏ xíu, một chiếc bánh dạng bánh bao chiên đóng gói nhỏ xíu trong những chiếc túi nilon nhàu nhĩ… Tôi rất thắc mắc với hai từ “quà chiều”, sao lại là “quà” khi suất ăn này bố mẹ các con thanh toán trong tiền ăn hàng tháng.
Rồi các hoạt động chung như hội chợ Tết, các gian hàng được bán thầu với giá rất cao, các phụ huynh và các con phải cố vận hành hết khả năng của mình sao cho có lãi để làm quĩ lớp, nhìn cảnh các con bê các mẹt đồ ăn đi chen chúc mời phụ huynh và khách mướt mải, tôi thấy chạnh lòng. Thấy nói có hơn 10.000 người tham gia trong dịp đó ở khuôn viên sân trường. Dù rất muốn động viên các con, nhưng tới nơi thấy ngột ngạt vô cùng.

Chuyện thành tích, trong giải bóng đá của trường, lớp của cô trưởng khối 4 năm đó, thi đấu cùng lớp con trai tôi, quy định là các phụ huynh không vào trong sân thi đấu, nhưng mấy thầy cô phòng hành chính (chắc vào động viên lớp cô trưởng khối 4) và hàng chục phụ huynh lớp bạn vẫn vào hẳn trong lưới bảo vệ của sân để cổ vũ, gõ các dụng cụ kim loại ầm ĩ lấn át đội bạn là đội của con trai tôi. Tôi còn giữ đầy đủ những hình ảnh không đẹp mắt này, nhưng chỉ để làm kỉ niệm không mấy vui của bố con tôi ở đây.

Quan sát các hoạt động chung, chỉ một số con, một số lớp may mắn có phong trào phụ huynh tốt, có thầy cô tâm huyết thì rất ổn. Nhưng số này rất ít thôi.

Con trai tôi, cuối năm đó, thấy không ổn nên chúng tôi cho con học thêm một cô giáo cũ của anh trai cháu, cô đã nghỉ hưu, chỉ là cô giáo trường làng nhưng cô vững chuyên môn và tâm huyết. Kiểm tra con cô kết luận ngay là hổng kiến thức rất nhiều. Hết hè năm đó với mỗi tuần 2 buổi, cậu bé ổn trở lại. Về nhà rất khen cách cô truyền đạt. Bạn bè tôi làm giáo dục, giáo viên rất nhiều, chúng tôi cũng quan tâm tới việc học hành của các con nên hiểu rõ điều này.

Và lớp học của con tôi ở VinSchool cho tới nay có khoảng 6 bạn chuyển đi trường khác: về công lập có, sang trường tư khác có. Tỉ lệ như thế khoảng >15% đã rời trường do không thấy phù hợp.

Hội nhóm trên facebook nếu không có sự kiện này thì ngày thường tôi thấy một cái gọi là “hội chứng cuồng VinSchool” như bạn tôi vẫn hay gọi. Xin lỗi vì tôi dùng từ này. Bài viết nào chỉ khác chút là có thể bị xoá ngay.

Mỗi gia đình có những tiêu chí riêng để chọn trường, chọn thầy cho con. Gia đình tôi dù sau đó cho con rời trường nhưng vẫn khuyên một số bạn bè, các em tôi cho con học tại đây nhưng chú ý sát sao con học và vẫn cần học thêm các môn chính và tiếng Anh mới mong ổn được. Cũng như ý của bài chia sẻ trước của tôi:
“Có nhất thiết phải cho con học trường tư với mức phí gấp 5-20 lần trường công không!?”

Thực lòng, sau khi hai con trai lớn của gia đình đã qua bậc đại học, tôi muốn chia sẻ rằng, dù học ở đâu, chúng ta vẫn phải sát sao các con, đặc biệt là các cô cậu bé thông minh, cá tính và sức học chưa thật xuất sắc. Và khi trang bị cho mình những kiến thức, hiểu biết nhất định, quan tâm được các con đúng cách, có thời gian cho chúng thì học ở đâu các cô cậu bé cũng hoàn toàn có thể tiến bộ, phát huy được năng lực cá nhân của mình và vẫn có thể dư sức apply vào các trường tốt ở Mỹ, Úc, châu Âu.

Tâm sự của một phụ huynh Vinschool
Tâm sự của một phụ huynh Vinschool

Xem thêm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *