VOV.VN – Các trường tư thục đang tham gia vào thị trường đặc biệt là thị trường giáo dục, nhưng ở đây không chỉ đơn giản là chuyện thuận mua vừa bán.
Trong khi các phụ huynh có con học trường công lập bức xúc vì những khoản thu vô lý, núp bóng “tự nguyện”, thì những phụ huynh có con học tại các trường tư thục cũng “đang đứng ngồi không yên” trước việc trường đưa mức học phí “lên giời”.
TS Giáp Văn Dương, chuyên gia về giáo dục, người sáng lập trường học trực tuyến Giapschool đưa ra quan điểm riêng về vấn đề này.
PV: Ông đánh giá như thế nào về tác động của hệ thống trường phổ thông ngoài công lập đến nền giáo dục nước ta hiện nay?
TS Giáp Văn Dương: Tôi cho rằng hệ thống trường ngoài công lập đã có tác dụng tốt đến toàn hệ thống giáo dục nói chung. Nếu thời tôi đi học chỉ có một lựa chọn, thì ngày nay các bậc cha mẹ đã có nhiều lựa chọn hơn.
Ngoài ra, hệ thống trường ngoài công lập cũng đang giảm tải cho hệ thống các trường công lập. Đơn cử, với khối mầm non, các trường tư thục đang đảm nhiệm việc nuôi dạy khoảng 50% tổng số trẻ. Nếu không có hệ thống này các trường công lập sẽ quá tải.
Sự ra đời của hệ thống các trường ngoài công lập cũng tạo ra mẫu đối chứng khác để so sánh, buộc các trường công phải cạnh tranh, cải thiện chất lượng.
Một cách ngắn gọn, có nhiều lựa chọn thì bao giờ cũng tốt hơn chỉ có một lựa chọn. Vì thế, tôi ủng hộ sự ra đời của các trường tư và thấy rằng, chúng có đóng góp quan trọng cho giáo dục.
PV: Mới đây, không chỉ vấn đề lạm thu trong các trường công, mà việc các trường ngoài công lập tăng mạnh cũng đang khiến nhiều phụ huynh bức xúc. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?
TS Giáp Văn Dương: Giáo dục là một dịch vụ đặc biệt, tức là một loại hàng hóa đặc biệt. Nhưng đặc biệt đến mức nào và có hoàn toàn thả lỏng theo cơ chế thị trường hay không, thì vẫn còn bàn cãi chưa ngã ngũ.
Khi cho phép trường tư ra đời là trực tiếp công nhận thị trường giáo dục và coi giáo dục là một dịch vụ. Nhưng đó là một dịch vụ đặc biệt và một thị trường đặc biệt. Anh mua con cá, mớ rau, không ưng có thể trả lại, hoặc đổi sang nhà cung cấp khác. Nhưng với giáo dục, khi anh không ưng, thì việc đổi nhà cung cấp cũng không hề dễ. Chưa kể, nếu học một vài năm mà thấy không ưng, thì ai sẽ đền bù được những gì đã xảy ra với con anh?
Ngoài ra, những yếu tố vô hình trong giáo dục, hầu như không thể định lượng được bằng tiền, như triết lý giáo dục, đạo đức người thầy, sự tôn trọng, sự tử tế… lại đóng vai trò quyết định trong sự thành bại của giáo dục. Điều này làm cho bản thân việc định lượng giá trị của giáo dục là điều rất khó. Khó đến mức, chỉ người trong cuộc mới cảm nhận được. Xin nhắc lại ở đây là cảm nhận được, chứ không phải là định giá được.
Cho nên, với giáo dục, câu chuyện không chỉ đơn thuần là thuận mua vừa bán, mà phải là sự hợp tác từ hai phía, giữa gia đình và nhà trường, hướng tới một mục tiêu duy nhất: Giúp cho thế hệ trẻ phát triển tốt nhất và mang lại những điều tốt nhất cho con em mình.
PV: Các trường ngoài công lập không chịu sự giám sát của Nhà nước về vấn đề học phí, mức tăng hoàn toàn do nhà trường và phụ huynh thỏa thuận. Song khi trường tăng học phí quá cao, phụ huynh sẽ buộc phải tìm cách chuyển trường cho con. Như vậy, phụ huynh và học sinh đang trong thế bị động. Ông có nghĩ như vậy?
TS Giáp Văn Dương: Các trường tư vận hành trên nền tảng của thị trường, nhưng là một thị trường đặc biệt. Vì thế, nhà nước không nên can thiệp vào học phí, tức không nên can thiệp vào việc định giá của dịch vụ. Tuy nhiên, đây là một dịch vụ đặc biệt, vận hành trong thị trường đặc biệt, ở đó yếu tố niềm tin đóng vai trò tối quan trọng. Mà niềm tin thì bao giờ cũng là một quá trình hai chiều, xuất phát từ cả hai phía. Vì thế, trong câu chuyện này, không hẳn là phụ huynh và học sinh trong thế bị động.
Về nguyên tắc, phụ huynh và học sinh đang giữ quyền tối thượng, là quyền lựa chọn. Do đó, phụ huynh cũng có thể gây áp lực với nhà trường. Họ là khách hàng, nhưng là khách hàng đặc biệt. Đặc biệt không chỉ ở chỗ dịch vụ họ chi trả là đặc biệt, thị trường của dịch vụ đó cũng đặc biệt, mà họ là người chi trả, nhưng không phải là người trực tiếp sử dụng dịch vụ đó. Tuy nhiên, họ vẫn có sức mạnh của một khách hàng, đó là sức mạnh của việc nói không.
Nhưng trên thực tế, việc nói không, đặc biệt là khi đã đi nửa đường cùng nhau, là không hề dễ dàng. Tiếp tục hay dừng lại là câu chuyện nhiều nước mắt và dằn vặt, mà chỉ ai trong cuộc mới hiểu được.
Chọn trường cho con, không chỉ đơn thuần là do học phí, mà còn sự an toàn, sự thuận tiện gần nhà, văn hóa học đường, tình cảm với thầy cô và bạn bè đã có. Đó là cảm xúc, là kỷ niệm, là giá trị, là một quãng đời mà con đã đi qua… Nó chính là một phần của con mình hiện thời, nên thay đổi đồng nghĩa với đập bỏ để làm lại từ đầu.
Kinh nghiệm của gia đình tôi cho thấy, mỗi lần chuyển trường cho con, là gần như mỗi lần con phải tự gây dựng lại mọi thứ, trong hoang mang và lo lắng, mà không hẳn lúc nào cũng thành công. Vì thế, dừng lại hay tiếp tục trong giáo dục, không đơn thuần là câu chuyện của thị trường.
Trong mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường, tôi cho rằng đó nên là một mối cân bằng động, sao cho không bên nào bị rơi vào thế bị động và bỏ cuộc. Để làm được như vậy, cả hai bên phải duy trì được hai yếu tố căn bản, lại vẫn là hai yếu không thể định lượng được bằng tiền, đó là sự tôn trọng và sự tử tế.
PV: Khi tăng học phí, các trường đưa ra lý do để đầu tư vào đội ngũ giáo viên, tăng chất lượng đào tạo. Vấn đề nhiều phụ huynh quan tâm là tăng học phí liệu chất lượng đào tạo có tăng tương xứng?
TS Giáp Văn Dương: Như đã nói ở trên, chất lượng giáo dục phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó, các yếu tố hữu hình, định lượng được chỉ là một phần của chất lượng giáo dục, thậm chí là một phần nhỏ. Đó chỉ là điều kiện cần, không phải điều kiện đủ. Cơ sở vật chất, nội dung chương trình, thậm chí kiến thức chuyên môn của các thầy cô, các yếu tố tĩnh, có tính cách làm nền, chứ không phải là sự sống động, sự thăng hoa hay vẻ đẹp của giáo dục.
Trong giáo dục, sự yêu thương, sự tôn trọng, sự tử tế, đạo đức và sự gương mẫu, niềm đam mê học hỏi, khát vọng vươn lên… là những yếu tố đóng vai trò quyết định. Những yếu tố này nằm ngoài cơ sở vật chất, nằm ngoài nội dung chương trình, nằm ngoài cả kiến thức chuyên môn hẹp của các giáo viên. Những các yếu tố này không thể đo được bằng tiền, cũng không định lượng được bằng các con số, mà chỉ có thể cảm nhận được.
Một cách ngắn gọn: Muốn con thành người, thì cần một môi trường rất con người, chứ không chỉ là cơ sở vật chất hay những kiến thức sách vở.
Vì thế, để biết chất lượng giáo dục có tăng lên hay không, thì phải trò chuyện cùng con, phải cảm nhận sự trưởng thành của con về mọi mặt, phải đến ngồi ở sân trường để quan sát và lắng nghe, phải trực tiếp trao đổi trực tiếp với các thầy cô nơi con mình theo học, phải hòa mình vào đời sống học đường để có cùng mạch đập, chứ không một chuyên gia bên ngoài nào có thể nói chắc là chất lượng giáo dục có tăng lên hay không sau những đầu tư như vậy.
Giáo dục bắt đầu ở con người và kết thúc cũng ở con người. Vì thế, phải dùng chính con người mình để trực tiếp cảm nhận và đánh giá thì mới biết chất lượng giáo dục có tốt lên hay không.
PV: Xin cảm ơn ông!/.
Nguyễn Trang/VOV.VN
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang thả nổi vấn đề mà đáng lẽ ra phải có sự quy định và quản lý chặt chẽ của nhà nước.