Dù chỉ mới thành lập trong vài năm trở lại đây, tuy nhiên hệ thống Vinmec (bệnh viện) và Vinschool (giáo dục) không ngừng phát triển. Đặc biệt Vinschool hiện là một trong những hệ thống trường tư lớn nhất Việt Nam. Riêng ở Times City, số học sinh của Vinschool đã lên đến hơn 15.000 em. Ngày 27/09/2016, tập đoàn Vingroup công bố chuyển đổi hệ thống Vinmec và Vinschool sang mô hình phi lợi nhuận, cam kết dành 100% lợi nhuận cho xã hội.
Cụ thể, Vingroup cam kết dành 100% lợi nhuận thu được từ Vinmec và Vinschool để sử dụng cho việc tái đầu tư nhằm liên tục nâng cấp và phát triển hệ thống, cụ thể là đầu tư phát triển nguồn nhân lực, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, trao học bổng, tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tăng cường hợp tác, liên kết quốc tế…
Không chỉ dành 100% lợi nhuận để tái đầu tư, Tập đoàn Vingroup cũng cam kết không thu hồi hơn 4.000 tỷ VND đã đầu tư đến thời điểm hiện tại để xây dựng hệ thống Vinmec và Vinschool trên toàn quốc, bao gồm chi phí về cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị, nhân sự, mua bản quyền, chuyển giao công nghệ…
Theo báo cáo tài chính của Tập đoàn Vingroup (VIC), doanh thu từ Vinmec và Vinschool trong năm 2015 đạt tổng cộng 1.285 tỷ đồng, chiếm 4% toàn tập đoàn. Trong khi đó, lợi nhuận gộp từ 2 mảng kinh doanh này đạt 380 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 3%. Kể từ khi thành lập vào năm 2012 đến nay, kết quả kinh doanh của Vinschool liên tục tăng trưởng và chưa khi nào thua lỗ. Năm 2012, Vinschool chỉ đạt doanh thu 4 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 1 tỷ đồng nhưng đến năm 2015, doanh thu đã lên tới 514 tỷ đồng, lợi nhuận 162 tỷ đồng. Trong nửa đầu năm 2016, doanh thu Vinschool đạt 305 tỷ đồng, lợi nhuận 95 tỷ đồng. Nhìn chung, biên lợi nhuận gộp của hệ thống Vinschool khá ổn định quanh mức 35%.
Như vậy chỉ cần giữ mức học phí như hiện tại thì Vingroup đã có lãi khủng. Với mức học phí khoảng 4tr/tháng (chưa kể tiền ăn, học phẩm) thì mình đánh giá là một trong những trường tốt nhất Hà Nội hiện nay. Tuy nhiên ngày 22/09 vừa qua, Vinschool đã làm tất cả phụ huynh bàng hoàng với quyết định tăng học phí bất ngờ. Mức tăng này là rất cao, từ 20% cho học sinh đang theo học đến 60% cho học sinh mới nhập học, trong khi trong các cuộc họp trước đây, nhà trường luôn khẳng định nếu tăng học phí thì sẽ trong mức 10%.
Với mức học phí này, lợi nhuận của Vinschool sẽ còn khủng hơn nữa. Trong khi việc cam kết dùng 100% lợi nhuận để tái đầu tư thì không một ai có thể kiểm chứng được.
Hôm nay ngày 23/09/2017 đã có một cuộc giữa Ban phụ huynh và nhà trường tại Times City. Vấn đề học phí đã được thảo luận rất gay gắt. Hầu hết phụ huynh đều cảm thấy rơi vào cái bẫy của Vinschool. Tại sao nhà trường không công bố kế hoạch tăng học phí và chuyển địa điểm cho học sinh từ khi tuyển sinh đầu năm học? Hiện giờ các em đã học được hơn 1 tháng, đã quen trường lớp, bạn bè thì lại bị chuyển đi. Những em không thuộc diện phải chuyển thì cũng chưa chắc có thể theo học tiếp với mức học phí tăng đều đều như thế này. Nhà trường đã chọn một thời điểm khiến tất cả phụ huynh và học sinh đều không biết nên đi hay ở. Tất nhiên đây là thời điểm có lợi nhất cho nhà trường vì học sinh đã tuyển đủ. Chúng ta, những khách hàng tin tưởng vào Vingroup – Vinschool, giờ như đàn gà đã bị lùa vào lồng chỉ chờ bị vặt lông, cắt tiết mà thôi.
Theo mình được biết, đã có phụ huynh rơi nước mắt trong cuộc họp. Mình thật sự thấu hiểu cảm giác này. Những phụ huynh cho con học tại đây đều đã cân nhắc kĩ lưỡng về tài chính, kế hoạch lâu dài, định hướng cho các con và trên hết là niềm tin vào nhà trường. Nhưng quả thật bây giờ chỉ còn là cảm giác thất vọng tràn trề.
Khi được hỏi về việc tại sao nhà trường tăng học phí, câu trả lời của người đứng đầu hệ thống Vinschool là “chúng tôi KHÔNG QUAN TÂM, chúng tôi báo trước một năm để các gia đình xem xét LỰA CHỌN TRƯỜNG, chúng tôi chọn học sinh CHÚNG TÔI MUỐN, ai không nghe XIN MỜI RA NGOÀI”.
Các phụ huynh chỉ biết “đứng hình” với câu trả lời vô trách nhiệm như vậy. Vinshool luôn khẳng định xây dựng một ngôi trường biết lắng nghe nhưng chính những người đứng đầu hệ thống này không hề lắng nghe khách hàng của họ. Dẫu biết Vinschool là đơn vị kinh doanh, không phải tổ chức từ thiện, nhưng cách làm của nhà trường lần này và vụ việc liên quan mua giáo trình Cẩm nang Vinser đẩy phụ huynh vào thế bị chèn ép và không hề được tôn trọng. Đây là cuộc họp đã được lên kế hoạch từ trước, vậy nhưng đến 10h30 một số lãnh đạo đứng đầu Vinschool đã ra về trước với lý do có cuộc họp ở tập đoàn! Mấy năm trước khi bên mẫu giáo tăng học sinh từ 25 lên 30 em 1 lớp và tách lớp mới học được 1 năm ra thành nhiều nhóm nhỏ, phụ huynh và nhà trường cũng có 1 buổi họp như thế này. Hiệu trưởng, hiệu phó nói xong, phụ huynh bắt đầu nói thì trả lời là không thay đổi. Và rồi báo nhà trường có cuộc họp, lên xe bỏ đi trước sự ngỡ ngàng của phụ huynh. Vinschool chỉ coi các phụ huynh như gà mà thôi. Cuộc họp này bị cấm ghi âm, chụp ảnh, quay phim nên các phụ huynh tham gia chỉ có thể cập nhật thông tin trên Facebook. Nếu không có gì khuất tất, sao Vinschool phải cấm dư luận như vậy?
Xin trích lời một số phụ huynh tham gia cuộc họp:
“Họ đẩy nhiều gia đình vào tình huống tiến thoái lưỡng nan – ở cũng không xong, đi cũng chẳng được.”
“Chúng ta sẽ làm việc với nhà trường bằng văn bản chứ không chỉ nghe và nói chuyện như trước nữa. Nghe tai này nó lọt sang tai kia chạy ra ngoài hết.”